Vành đai 3 sẵn sàng kết nối với cao tốc TPHCM – Long Thành
(Dân trí) – Nút giao giữa đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch sau khi hoàn tất, kết nối với cao tốc TPHCM – Long Thành, mở ra hướng đi mới từ TP Thủ Đức (TPHCM) sang Đồng Nai.
Nút giao giữa đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (đường Vành đai 3 TPHCM) với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành toàn bộ phần cọc móng, bệ thân trụ cầu và đang được thi công gác, đúc dầm.
Dự kiến, hạng mục này hoàn thành vào dịp 30/4/2025, mở ra hướng kết nối mới từ TP Thủ Đức – TPHCM sang huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai và các khu vực lân cận.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư, Bộ GTVT), dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đến nay đạt 77% tổng khối lượng, vượt tiến độ 4 tháng so với hợp đồng đã ký.
Hai hạng mục chính của dự án là cầu Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai đã hợp long một phần vào tháng 9 vừa qua và dự kiến hợp long đốt cuối vào tháng 1/2025. Còn nút giao kết nối vào đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, trước mắt đang mở rộng đường cao tốc lên 8 làn xe so với 4 làn xe hiện nay.
Cùng với tiến độ khả quan của cầu Nhơn Trạch và dự án thành phần 1A, việc đầu tư bổ sung cầu Nhơn Trạch 2 song song với cầu đang thi công được xúc tiến để kịp khởi công vào cuối năm 2025.
Việc này nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện đường Vành đai 3 theo quy mô hoàn chỉnh có bề rộng 74,5m với 8 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên.
Tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 đóng vai trò rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đến Bình Dương và TPHCM. Tuyến đường khi hoàn thành còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt, phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.
Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM.
Vành đai 3 là đường liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm như TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, TPHCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành…
Việc khép kín Vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM – Long Thành.