Thị trường bất động sản năm 2025: Nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt”
Theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 – khi hàng lang pháp lý mới đi vào cuộc sống.
Với nền tảng pháp lý bám sát thực tiễn từ các luật mới (như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn), giới chuyên gia cho rằng năm 2025 sẽ khởi đầu chu kỳ mới cho cả nền kinh tế lẫn thị trường bất động sản, trong đó phân khúc chung cư và đất nền dự báo vẫn tiếp tục “tăng nhiệt.”
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật kịp thời các thay đổi mới về hành lang pháp lý cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan tới lĩnh vực bất động sản được Quốc hội ban hành gần đây đồng thời nghiên cứu phát triển sản phẩm theo đúng xu hướng và khả năng chi trả của phần đông người dân.
Những chỉ dấu tích cực
Trong năm 2024, thị trường bất động sản liên tiếp đón tin vui khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng (từ ngày 1/8/2024, thay vì 1/1/2025), đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển nhà ở.
Nắm bắt cơ hội phát triển, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã có sự cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.210 doanh nghiệp (tăng 1,4%), doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.577 (tăng 11,4%).
Với sự tăng trưởng đáng kể của thương mại điện tử ở Việt Nam, việc cung cấp các địa điểm phù hợp cho các trung tâm phân phối, trung chuyển cũng là điều cần thiết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ đã liên tục có những thông điệp rất mạnh mẽ, để yêu cầu tất cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thể chế mới, tìm cách tháo gỡ khó khăn thực sự cho các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua tăng tốc đầu tư công, đô thị hóa, tạo sự cân bằng cho thị trường.
Trong thời gian tới, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong năm 2025 – khi hàng lang pháp lý mới chính thức đi vào cuộc sống và các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án.
“Các yếu tố trên được cải thiện, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho thị trường bất động sản phát triển thông qua hoạt động M&A theo hướng góp gạo thổi cơm chung,” ông Đính nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng nhận định thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và điều tiết thị trường, bảo đảm sự ổn định và phát triển đúng hướng.
“Do vậy, nhiều phân khúc bất động sản dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự phục hồi, trong đó căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường; biệt thự, liền kề sẽ trở nên sôi động. Bên cạnh đó, đất nền và pháp lý thông thoáng sẽ thu hút nhà đầu tư và nhà ở xã hội sẽ có thêm cơ hội sôi động trở lại. Ngoài ra, bất động sản công nghiệp tăng trưởng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ có cơ hội cải thiện nhờ vào việc condotel được cấp sổ,” ông Đính nói.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cũng nhận định thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước đây. Cụ thể, kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ,… trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý cũng đã dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện (nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách được ban hành); quy hoạch các cấp được hoàn thiện. Theo ông Lực, đây là những “trợ lực” chính làm cơ sở để thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới và phục hồi theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Mặc dù vậy, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng lưu ý bối cảnh trong và ngoài nước hiện còn nhiều rủi ro thách thức cho việc phục hồi thị trường bất động sản như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có đột phá, không đồng đều; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao; giá bất động sản cao và tăng nhanh ở một số phân khúc…
Vì thế, ông Lực khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần quyết tâm cơ cấu lại đồng thời tập trung hơn vào các lĩnh vực có thế mạnh, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn để vượt qua khó khăn tài chính.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng lưu ý từ giờ đến hết năm 2025, các quy định của luật mới chưa được áp dụng hoàn toàn, vẫn có sự giao thoa với chính sách cũ nên có sự linh hoạt trong tính toán giá đất…
Do đó, các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản cần chủ động cập nhật và nắm bắt kịp thời các thay đổi mới về hành lang pháp lý đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với hành lang pháp lý và xu hướng phát triển thị trường.
“Cụ thể, các chủ đầu tư cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm theo đúng xu hướng và khả năng chi trả của phần đông người dân. Các sàn giao dịch bất động sản phải nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định pháp lý dự án, nhằm đảm bảo lựa chọn những dự án chất lượng tham gia phân phối,” ông Đính chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đính cũng khuyến nghị các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản nên tập trung vào thế mạnh, tránh “dàn trải, ôm đồm” làm giảm hiệu quả hoạt động, phân tán nguồn lực và khó đạt được kết quả tối ưu.
“Trong mọi hoạt động cần lấy thị trường chung làm trọng yếu. Cần xác định rõ ‘thị trường có khỏe’ thì doanh nghiệp, môi giới bất động sản mới khỏe; khi đó khách hàng và nhà đầu tư mới yên tâm,” ông Đính nhấn mạnh.
Về phía Bộ Xây dựng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cũng lưu ý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thực hiện công khai đầy đủ, trung thực và chính xác các thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; chủ động rà soát tiết giảm chi phí, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ,” chủ động tổ chức rà soát danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp./.