Tin mới nhất

‘Ông lớn’ tài chính thế giới nêu đề nghị gì về Trung tâm tầm cỡ quốc tế đầu tiên ở 1 thành phố Việt Nam?

‘Ông lớn’ tài chính thế giới nêu đề nghị gì về Trung tâm tầm cỡ quốc tế đầu tiên ở 1 thành phố Việt Nam?

Tập đoàn Milcon Gulf mong muốn tham gia vào Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM

Chiều 25/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được có buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Milcon Gulf do ông Sohail S. Quraeshi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dẫn đầu, trao đổi về việc mong muốn tham gia đầu tư xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Sohail S. Quraeshi cho biết, Milcon Gulf là Tập đoàn tư nhân quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và phát triển hạ tầng, tài chính và đô thị thông minh với các dự án trải dài từ Bắc Mỹ, châu Á đến Trung Đông.

Với bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Milcon Gulf mong muốn được trở thành một trong những thành viên tham gia xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Ông Sohail S. Quraeshi cho biết thêm, ngoài nguồn đầu tư thị trường tài chính quốc tế tại châu Âu, Mỹ…, Tập đoàn Milcon Gulf còn đại diện cho nguồn đầu tư tài chính từ Trung Đông.

Vì vậy, để thu hút những đối tác đầu tư từ các nước, Tập đoàn Milcon Gulf phải làm cho các đối tác hiểu được những vấn đề pháp lý tại Việt Nam để họ sẵn sàng đầu tư.

Ông Shahrukh Quraeshi, Tổng Giám đốc Milcon Gulf cho biết, Tập đoàn có mặt tại Việt Nam để khẳng định niềm tin và tương lai của Việt Nam với mong muốn đóng góp vào sự phát triển ở những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Ô.Sohail S Quraeshi, Chủ tịch HĐQT Milcon Gulf Group, thông tin tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.

Tại buổi tiếp, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cũng cho biết, Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM là hệ sinh thái đa dạng, tập hợp các dịch vụ tài chính và phi tài chính.

Thành phố rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như hạ tầng thông tin, kỹ thật, cơ sở vật chất và đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực cho bộ máy, thu hút các đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước để vận hành cho Trung tâm này.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang cho biết thêm, hiện Thành phố đang nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia có Trung tâm Tài chính quốc tế lớn, từ đó sẽ có hướng xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình để vận hành đạt được hiệu quả tốt nhất.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Được đánh giá cao kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính của Tập đoàn Milcon Gulf và đề nghị đại diện Tập đoàn tiếp tục trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Thành phố để hai bên có những bước tiến mới trong hợp tác thời gian tới.

Trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế đầu tiên ở Việt Nam

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP.HCM đang tập trung xây dựng một Trung tâm Tài chính quốc tế nhằm nâng cao vị thế kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu. Đây không chỉ là mục tiêu của thành phố mà còn là một phần trong chiến lược phát triển quốc gia.

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 47 về việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM.

Đầu tháng 1/2025, tại cuộc họp triển khai Kết luận số 47, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua nhiều đề án, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam,
TPHCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế
để nâng cao vị thế kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu.
Ảnh: VGP

Theo ông Nên, thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế là một dự án đã được TP.HCM chuẩn bị từ lâu. Việc này không chỉ giúp thành phố và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế mà còn tạo cơ hội thực hiện các dự án trọng điểm như hệ thống đường sắt đô thị, vành đai và hệ thống cảng. Đồng thời, Trung tâm sẽ thu hút nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện để huy động thêm nguồn lực phát triển.

Vì vậy, TP.HCM cần chủ động thu hút nhân tài, không chỉ những chuyên gia giỏi mà còn những cá nhân sáng tạo, có thể đóng góp vào sự phát triển của Trung tâm. Điều này đòi hỏi một môi trường làm việc hấp dẫn, với các chính sách thuận lợi cho môi trường sống và làm việc.

Theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính tại TP.HCM dự kiến đặt tại khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các cơ chế chính sách sẽ được áp dụng dần dần, theo thông lệ quốc tế nhưng cũng có lộ trình và kiểm soát cụ thể qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào việc lựa chọn các chính sách đặc thù phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, bao gồm cải cách thủ tục đầu tư, kinh doanh, cho phép sử dụng tiếng Anh và ngoại tệ trong giao dịch tài chính, và áp dụng các thuế, visa, giấy phép lao động đặc thù.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chính sách còn lại, dựa trên sự phát triển thực tế của Trung tâm và tình hình chung của Việt Nam.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính TP.HCM đã được thành lập với 30 thành viên, do Bí thư Nguyễn Văn Nên làm trưởng ban. Một tổ công tác khác cũng đã được thành lập để chuẩn bị đề án trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2025.

Theo Thái Hà

Báo Đời Sống & Pháp Luật