Mở rộng gấp đôi cao tốc TPHCM – Long Thành, xóa điểm nghẽn kẹt xe phía Đông
Hơn 3 km đường dẫn và gần 22 km cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sắp được mở rộng từ 4 lên 8 – 10 làn xe.

Ngày 11.5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được khởi công trong quý II/2025.
Đoạn đường dẫn dài hơn 3 km, từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 TPHCM (TP Thủ Đức), sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, bao gồm việc nâng cấp cầu Mương Kênh và cầu vượt Đỗ Xuân Hợp.

Với tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM, công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2026, đồng bộ với nút giao ba tầng An Phú (hơn 3.400 tỉ đồng) đang được triển khai và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025.

Đối với tuyến cao tốc chính, Bộ Xây dựng mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư dự án mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất bố trí 6.500 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ triển khai dự án.
VEC sẽ chịu trách nhiệm xây dựng phương án đầu tư, kế hoạch tài chính cụ thể và đảm bảo khởi công trong năm 2025. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép VEC được áp dụng cơ chế đặc biệt trong lựa chọn nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ.

Theo phương án mở rộng đã được các bộ, ngành đồng thuận, đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành dài 4,8 km từ cầu cạn Vành đai 2 TPHCM đến Vành đai 3 (TPHCM) sẽ được nâng từ 4 lên 8 làn xe.
Đoạn tiếp theo, từ Vành đai 3 TPHCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dài 17,07 km, sẽ được mở rộng lên 10 làn xe, với vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án mở rộng ước tính khoảng 16.314 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 6.500 tỉ đồng, phần còn lại do VEC huy động, gồm 1.987 tỉ đồng vốn tự có, 6.850 tỉ đồng vốn vay và 977 tỉ đồng lãi vay trong thời gian xây dựng.

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, gồm 4 làn xe, đã được đưa vào khai thác từ năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ vận hành, lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng trung bình 10,45% mỗi năm.
Đặc biệt, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã vượt hơn 25% năng lực thiết kế, thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Ngay cả khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi vào khai thác toàn tuyến trong năm 2026, nhu cầu vận tải qua cao tốc TPHCM – Long Thành vẫn được dự báo vượt 25% công suất của 4 làn xe hiện hữu.
Khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động, áp lực giao thông trên tuyến cao tốc này càng tăng mạnh, khiến việc mở rộng tuyến trở nên cấp thiết.
Theo Minh Quân
Báo Lao Động