Tin mới nhất

Mở đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 – 10 làn xe: Lại chờ Bộ Tài chính12

Dự án sân bay Long Thành đang gấp rút để hoàn thành đúng hoặc vượt tiến độ nhưng các tuyến giao thông kết nối lại tỏ ra ì ạch, kéo dài gây nên nỗi lo lắng có sân bay mà lại thiếu đường, lãng phí thời gian và công sức.

Mở đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 - 10 làn xe: Lại chờ Bộ Tài chính - Ảnh 1.
Nếu sớm được giải quyết vốn, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được mở rộng – Ảnh: Q.Đ.

Điển hình như dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trình hai năm nhưng vẫn gặp vướng mắc, khiến cho trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành ngày 3-12 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải thốt lên: “Hai năm trời mất bao nhiêu tiền của, thời gian, nguồn lực. Ai phải chịu trách nhiệm việc này?”.

Vẫn chờ đợi ý kiến bộ ngành

Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được thông xe toàn tuyến vào ngày 8-2-2015. Do lượng xe tăng trưởng ngày càng cao, từ hai năm nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất mở rộng từ 4 lên 8 đến 10 làn xe. Số vốn để mở rộng 22km cao tốc này cần khoảng 14.955 tỉ đồng, trong đó VEC sử dụng 5.555 tỉ đồng (37%) vốn chủ sở hữu và vay thương mại 9.400 tỉ đồng (63%).

Để có nguồn vốn trên, VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất cơ chế tài chính: cho phép khoanh và lùi trả gốc (3.988 tỉ đồng), lãi liên quan đến khoản trái phiếu công trình do Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 – 2026 sang giai đoạn 2031 – 2034.

Đồng thời trình Chính phủ phương án bổ sung vốn điều lệ cho VEC từ 1.115 tỉ đồng lên 38.251 tỉ đồng để đảm bảo chỉ số tín nhiệm trong việc vay vốn từ các tổ chức tài chính.

Ngày 17-10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Chính phủ phương án bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024 – 2026 là 38.251 tỉ đồng. Hiện nay Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Thường trực Chính phủ, trình Quốc hội.

Còn giải pháp khoanh và lùi trả gốc, Bộ Tài chính kiến nghị yêu cầu VEC phải trả gốc và lãi đầy đủ trong giai đoạn 2024 – 2026 theo đúng cam kết, không đặt vấn đề khoanh nợ sang giai đoạn 2033 – 2036. Trường hợp VEC chậm trả nợ (gốc, lãi), VEC phải thanh toán lãi phạt chậm trả bằng 150% mức lãi suất phải trả cho ngân sách nhà nước.

Theo thông tin mới nhất, giữa tháng 11-2024 VEC đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận khoanh và lùi thời hạn trả sang giai đoạn 2031 – 2034 đối với toàn bộ khoản tiền gốc và lãi phát sinh. Hiện nay Bộ Tài chính đang xem xét xử lý hồ sơ để báo cáo Thủ tướng.

Chậm một ngày là thêm lãng phí, lỡ cơ hội

Theo một chuyên gia giao thông, ngoài tình trạng quá tải hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây còn có thêm áp lực giao thông khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác trong năm 2026. Do vậy việc mở rộng cao tốc này đã được đề xuất trong hai năm vẫn chưa chốt được phương án là quá chậm, dù VEC đề xuất tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024 – 2027.

Việc giao VEC thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây không sử dụng vốn đầu tư công sẽ giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước.

Tuyến đường này trước đây cũng được giao VEC làm chủ đầu tư và khai thác, bảo trì và thu phí trả nợ của Nhà nước nên VEC tiếp tục đầu tư mở rộng sẽ không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới trong trường hợp đầu tư mở rộng theo phương thức PPP.

Vị chuyên gia cho rằng phương án nhanh nhất để sớm thực hiện dự án là khoanh nợ trái phiếu và hoàn tất thủ tục tăng vốn cho VEC để doanh nghiệp này huy động được nguồn vốn đầu tư.

Còn trường hợp chờ Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025 để Thủ tướng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 giao cho VEC đầu tư theo hình thức đầu tư công sẽ khiến việc triển khai dự án chậm hơn.

Trong khi đó, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất được khoanh nợ của VEC, tuy nhiên đề nghị VEC nghiên cứu thêm phương án trả nợ phần gốc, lùi phần trả lãi; trong đó làm rõ các khoản lãi trong từng giai đoạn.

Một giải pháp nữa được Bộ GTVT đề xuất là trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện đầu tư dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì Thủ tướng có thể cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để giao cho doanh nghiệp nhà nước (VEC) đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Liên quan đến vướng mắc về huy động vốn mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành ngày 3-12 Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo nội dung này, báo cáo lại Thủ tướng hướng giải quyết trước ngày 15-12 và trong tháng 12-2024 hoàn thành hồ sơ nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc này.

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành từng “đứng bánh” chờ Bộ Tài chính

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8km và do VEC làm chủ đầu tư đã trải qua một hành trình đầy thử thách kể từ khi khởi công vào tháng 7-2014, kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên những vướng mắc về cơ chế và chính sách đã khiến công trình phải chờ đợi.

Từ đầu năm 2019, dự án ngừng được bố trí vốn ngay khi sản lượng thi công đã đạt 80%. Nhiều nhà thầu đã buộc phải chấm dứt hợp đồng, dẫn đến các tranh chấp phát sinh. Quá trình điều chỉnh cơ cấu vốn và cơ chế tài chính kéo dài đến tháng 3-2023 mà vẫn không có lối thoát.

Điểm then chốt trong câu chuyện là đề xuất của VEC sử dụng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi. Trong khi phần lớn các bộ ngành ủng hộ phương án này, Bộ Tài chính lại cho rằng nguồn tiền này thuộc sở hữu nhà nước và không thể sử dụng cho dự án.

Cho đến ngày 13-3-2023, khi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã chỉ ra sự vô lý khi số tiền nhàn rỗi đang được gửi tiết kiệm, trong khi dự án quan trọng lại đứng yên.

Sau đó các bộ ngành đã nhanh chóng điều chỉnh chủ trương. Đến ngày 3-7-2023, Thủ tướng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép VEC bổ sung 7.547 tỉ đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Quyết định này được xem là cơ sở quan trọng để dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có thể tiếp tục thi công sau nhiều năm chờ đợi và vướng mắc.

Sân bay chờ đường, phải có người chịu trách nhiệm!

Đầu tháng 12-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại kiểm tra tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Đây là lần thứ năm Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hiện trường dự án sân bay này.

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31-12-2025 và đưa sân bay vào khai thác trước 28-2-2026.

Về kết nối giao thông, dự kiến sân bay sẽ được kết nối bằng năm tuyến đường bộ và ba tuyến đường sắt. Các tuyến đường bộ như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến hoàn thành trong 2025 – 2026.

Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu nghiên cứu thêm các phương án kết nối như metro, tàu điện ngầm hoặc đường sắt tốc độ cao.

Nhưng đó là các vấn đề phải triển khai trong tương lai để khai thác đồng bộ khi sân bay Long Thành hoạt động và xây dựng ở các giai đoạn sau. Còn trước mắt đường cao tốc này đã quá tải, nói chi là có thêm sân bay.

Tại sao Thủ tướng phải năm lần đi kiểm tra tiến độ thi công sân bay, còn các bộ ngành liên quan lại chưa vội với phương án tạo vốn để thi công mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch này.

Tại sao người dân, thông qua bạn đọc Tuổi Trẻ, rất sốt ruột khi đoạn cao tốc Long Thành – TP.HCM từ đầy tải chuyển sang quá tải, người dân cũng báo động có nguy cơ lãng phí nếu sân bay chờ đường mà phương án lo vốn mở rộng tuyến cao tốc này vẫn cứ chịu cảnh loay hoay? Hạ tầng phải đi trước một bước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chốt chủ trương nâng cấp tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 làn xe. Sân bay chờ đường là lãng phí, chắc chắn phải tìm ra địa chỉ và người chịu trách nhiệm.

Bạn đọc lo lãng phí nếu thiếu đường đến sân bay

Rất nhiều bạn đọc đã thể hiện sự sốt ruột khi đường đến sân bay lại thi công “ề à” trong khi sân bay đang dần thành hình hài. Nguy cơ kẹt xe là hiện hữu và lãng phí là khó tránh khỏi nếu sân bay chờ đường. Bạn đọc Minh Triết viết: “Từ TP.HCM ra Long Thành giờ còn kẹt cứng, tới khi sân bay xong không biết xoay bằng cách nào?”.

Tương tự, tài khoản Nguyễn Đình Hoan bày tỏ: “Nguy cơ sân bay chờ đường cũng như bao nhiêu cầu đang chờ đường. Nếu sân bay Long Thành hoàn thành sớm mà không có một con đường riêng cho sân bay thì khả năng kẹt xe và trễ chuyến bay sẽ không tránh khỏi”.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Tiến Nhất nhận định xây dựng hoàn thành không kịp thời, không đồng bộ sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội, cho nhân dân và ngân sách nhà nước.

Còn tài khoản Tuấn Lò Gốm cho rằng việc mở rộng cao tốc đang rất cấp bách nên cần đồng bộ và thông suốt. “Ngay hiện tại sân bay chưa xong thì tình trạng kẹt xe trên cao tốc cũng đã trầm trọng lắm rồi”, tài khoản này viết. Ngoài giải pháp mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, bạn đọc cũng đề xuất nhiều giải pháp kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.

Tài khoản Hoai Phong nhận định tuyến đường tỉnh 25C kết nối vào đường T1 sân bay là nút thắt quan trọng để vành đai 3 TP.HCM xong mới có lối vào sân bay. Tuy nhiên tuyến đường này hiện “vẫn chưa thấy dấu hiệu gì”.

Cùng nhận định, tài khoản Pham Tung kiến nghị cần kết nối đường tỉnh 25C (đường Nguyễn Ái Quốc) với Nhà Bè và quận 7 bằng cầu vượt sông Đồng Nai. Tuyến này sẽ giải quyết được 1/3 lưu lượng cho cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

“25B, 25C siêu lý tưởng, đi một mạch từ sân bay theo T1 vào 25C nối lên vành đai 3 xong vào TP.HCM”, tài khoản Pham Tung viết.