Hé lộ vị trí xây dựng cây cầu dây văng hơn 11.000 tỷ lớn nhất thành phố giàu nhất Việt Nam
Sau khi hoàn thành, cây cầu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP. HCM tới Cần Giờ xuống còn khoảng 30 phút.
TP. HCM đang tiến gần hơn tới mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ – cây cầu dây văng lớn nhất thành phố – với tổng mức đầu tư vượt 11.000 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu xây dựng trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Dự án sẽ thay thế hoàn toàn vai trò của phà Bình Khánh, giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng qua sông Soài Rạp, đồng thời mở ra động lực phát triển đột phá cho huyện ven biển duy nhất của thành phố.
Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km, được xây dựng theo hình thức cầu dây văng hai trụ tháp cao 150m, với nhịp chính dài 350m bắc qua lòng sông Soài Rạp. Cầu được thiết kế 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), tốc độ thiết kế tối đa 60km/h.

Điểm đầu của dự án đặt tại nút giao đường số 2 – đường số 15B, thuộc Khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Tuyến đường sau đó tiếp tục chạy dọc đường 15B, vượt rạch Mương Ngang, băng qua đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) và hướng thẳng ra sông Soài Rạp.

Sau khi vượt sông Soài Rạp, cầu tiến vào cù lao Bình Khánh (huyện Cần Giờ), chạy song song với cao tốc Bến Lức – Long Thành, rồi vượt sông Chà để kết nối với trục đường Rừng Sác, điểm cuối cách bến phà Bình Khánh hiện tại gần 2km.

Hiện nay, phà Bình Khánh là tuyến kết nối huyết mạch giữa Nhà Bè và Cần Giờ. Dù hoạt động 24/24 giờ với đội tàu gồm 6 chiếc (gồm 2 phà 200 tấn, 3 phà 100 tấn và 1 phà 60 tấn), tình trạng quá tải vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào dịp lễ, Tết.
Trung bình mỗi ngày, phà phục vụ khoảng 20.000 lượt khách; cao điểm có thể lên tới 40.000 lượt. Nhiều hành khách phải chờ từ 2–3 giờ để qua phà, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và hoạt động du lịch của địa phương.
Cầu Cần Giờ sau khi hoàn thành không chỉ giúp xóa bỏ thế độc đạo hiện nay mà còn rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP. HCM tới Cần Giờ xuống còn khoảng 30 phút, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển du lịch và khai phá tiềm năng kinh tế biển cho toàn khu vực phía Đông Nam thành phố.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Năm 2024, GRDP đạt 1,78 triệu tỷ đồng, cao nhất toàn quốc, với mức tăng trưởng 7,17%. Thành phố sở hữu hạ tầng hiện đại, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư và có hệ sinh thái doanh nghiệp sôi động. Kinh tế duy trì đà phục hồi ổn định, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước. Những yếu tố này củng cố vững chắc vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo Nguyễn Thảo
reatimes.vn