Tin mới nhất

Hai gói thầu ở dự án cầu Nhơn Trạch bứt tốc, dự kiến về đích sớm hơn 4 tháng4

Công trình cầu Nhơn Trạch – cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM – tăng tốc thi công để về đích sớm hơn kế hoạch.

Hai gói thầu ở dự án cầu Nhơn Trạch bứt tốc về đích, rút ngắn tiến độ sớm hơn 4 tháng - Ảnh 1.
Công trường cầu Nhơn Trạch – Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Ngày 30-11, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã có thông tin về tình hình triển khai dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1. Tại dự án này có cây cầu Nhơn Trạch – là cầu lớn nhất tuyến đường vành đai 3 TP.HCM.

Về công tác bàn giao mặt bằng, phía TP.HCM đã bàn giao 100% diện tích. Còn tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 49,21/49,30ha, tương đương 99,82%. Phần mặt bằng tuyến chính đã cơ bản bàn giao 100%.

Về tình hình xây lắp, dự án có hai gói thầu xây lắp, đến nay tổng sản lượng đạt 2.041,36/2.679,83 tỉ đồng, tương đương 76,17% giá trị hợp đồng.

Trong đó, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch, dài 2,6km) có giá trị gói thầu 1.618 tỉ đồng do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thực hiện. 

Gói thầu được khởi công từ tháng 9-2022, nhà thầu quyết tâm rút ngắn tiến độ 4 tháng so với hợp đồng.

Ngày 12-9, nhà thầu Kumho E&C đã tiến hành hợp long nhịp cầu chính đầu tiên bắc qua sông Đồng Nai. 

Nhà thầu dự kiến hợp long đốt cuối vào tháng 1-2025 và sau đó triển khai công tác hoàn thiện cầu để hoàn thành vào 30-4-2025.

Còn gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu, dài 5,6km) có giá trị gói thầu 1.071 tỉ đồng do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) – Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) triển khai.

Gói thầu khởi công vào tháng 5-2023, có tiến độ hoàn thành theo hợp đồng vào tháng 9-2025. Tuy nhiên, thời gian qua nhà thầu đã đẩy nhanh thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ để cơ bản hoàn thành vào 30-4-2025 và hoàn thành toàn bộ gói thầu vào tháng 6-2025.

Quy mô dự án cầu Nhơn Trạch

Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 8,22km, gồm đoạn qua TP.HCM 1,92km và tỉnh Đồng Nai 6,3km. Dự án có tổng mức đầu tư 6.955,65 tỉ đồng.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2.250,73 tỉ đồng do các địa phương tự thực hiện và bố trí vốn. Còn chi phí xây dựng và các chi phí khác là 4.704,92 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm kể từ khi hiệp định vay vốn có hiệu lực (từ tháng 9-2020 đến tháng 9-2025).