Tin mới nhất

Chuyển phần lớn khách bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất về Long Thành, đề xuất làm đường sắt kết nối

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ ấn định cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.

Chuyển phần lớn khách bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất về Long Thành, đề xuất làm đường sắt kết nối- Ảnh 1.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến 80% lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành . Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm của sân bay Long Thành sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối.

Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành – Thành phố Hồ Chí Minh có 7 tuyến giao thông kết nối.

Cụ thể, tuyến thứ nhất: Từ sân bay Long Thành theo cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, Đường Vành đai 2, các trục hướng tâm hoặc các tuyến trục chính đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyến thứ 2, Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-cầu Cát Lái-đường Vành đai 2-các trục hướng tâm hoặc hệ thống đường khác mức. Tuyến thứ 3, Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-cao tốc Bến Lức-Long Thành-đường trục động lực (Quốc lộ 50B).

Chuyển phần lớn khách bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất về Long Thành, đề xuất làm đường sắt kết nối- Ảnh 2.
Dự kiến 80% lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành.

Tuyến thứ 4, Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-đường Vành đai 3-các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức. Tuyến thứ 5, Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-kết nối qua hướng cầu Phú Mỹ 2-các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.

Tuyến thứ 6: Đường sắt tốc độ cao đến ga Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố. Tuyến thứ 7: Đường sắt nhẹ Long Thành-Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.

Cần thiết đầu tư đường sắt kết nối sân bay Long Thành

Lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết các tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hoà-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành đưa vào khai chậm nhất năm 2026 thì cũng phải lên lộ trình đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành.

 

“Đường sắt có khả năng vận chuyển lượng lớn hành khách với tốc độ cao và thời gian di chuyển ổn định, nhất là giờ cao điểm, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; giảm áp lực cho các tuyến cao tốc, quốc lộ, và đường địa phương kết nối với sân bay”, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải nói với TTXVN.

Chuyển phần lớn khách bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất về Long Thành, đề xuất làm đường sắt kết nối- Ảnh 3.
Các sân bay trong khu vực triển khai đường sắt kết nối, bên cạnh các tuyến đường bộ. Trong ảnh là biển chỉ dẫn đến và đi tại sân bay Changi Singapore.

Vị này nói tiếp: ”Chậm nhất vào năm 2035, tuyến đường sắt kết nối cần phải hoàn thành và đưa vào khai thác để đảm bảo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và khả năng đáp ứng của các phương thức vận tải khác”.

Để triển khai sẽ cần phải huy động nguồn vốn rất lớn, do đó cần phải huy động nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (giải phóng mặt bằng, hạ tầng cơ bản), xã hội hóa (từ các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế), hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, vốn vay từ các tổ chức quốc tế.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải ban hành phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm bố trí lại mặt bằng cụm 12 công trình sửa chữa, bảo dưỡng máy bay khu vực phía Đông Bắc của cảng; diện tích mỗi công trình khoảng 3,8-4,5ha; bố trí đường lăn song song và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm kết nối, khai thác với khu vực các công trình sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay khu vực phía Đông Bắc của cảng.

Trong tháng 11/2024, Quốc hội đồng ý bổ sung một đường băng và lùi thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến cuối năm 2026.

Theo nghị quyết, Quốc hội đồng ý giai đoạn 1 đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía Bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án được kéo dài chậm nhất đến 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính phủ được tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn một dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.

Theo Dy Khoa