Tin mới nhất

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ hoàn thành khi sân bay Long Thành ‘cất cánh’?1

Khi có đầy đủ mặt bằng, các mũi thi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ được triển khai liên tục và vẫn đảm bảo tiến độ khi sân bay Long Thành cất cánh trong năm 2026.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hoàn thành khi sân bay Long Thành 'cất cánh'? - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Bôn, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, trả lời câu hỏi của phóng viên nguyên do cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn triển khai chậm – Ảnh: A LỘC

Thông tin do ông Nguyễn Bôn, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, cho biết tại buổi họp báo tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ 2025, chiều 17-12.

Cao tốc qua Đồng Nai triển khai chậm hơn Bà Rịa – Vũng Tàu

Cụ thể, theo ông Bôn, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km (qua địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành).

Trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia và cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với công tác giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành cũng hết sức quan tâm.

Đến nay, diện tích giải phóng mặt bằng tại thành phố Biên Hòa đạt khoảng 70%, còn ở huyện Long Thành đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, phần diện tích trên không liền khoảnh.

Trong tình hình khó khăn về mặt bằng, Ban Quản lý dự án giao thông đã chỉ đạo cho các nhà thầu triển khai thi công cầu vượt, hầm chui ở các điểm có thể triển khai sớm.

“Dự kiến hết tháng 12 năm nay và qua tháng 1 năm sau, khi mặt bằng liền khoảnh và liên tục được bàn giao hết thì Ban Quản lý dự án sẽ triển khai các mũi thi công liên tục. Qua đó vẫn đảm bảo được các tiến độ khi sân bay Long Thành cất cánh trong năm 2026”, ông Bôn khẳng định.

Tuy nhiên, ông Bôn thừa nhận cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai sẽ không kịp với đoạn mà Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai do tỉnh Đồng Nai triển khai chậm hơn so với tỉnh bạn.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kịp tiến độ sân bay Long Thành cất cánh - Ảnh 2.
Đồng Nai và TP.HCM sẽ nghiên cứu làm hầm thay cầu Cát Lái – Ảnh: A LỘC

Dùng vốn BOT làm hầm thay cầu Cát Lái

Về đề xuất làm hầm thay cầu Cát Lái, ông Phan Trung Hưng Hà, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, nói theo chủ trương trước đây của Chính phủ giao TP.HCM và Đồng Nai nghiên cứu làm cầu Cát Lái theo phương án BOT. Trong đó phần cầu dùng vốn BOT, con đường dẫn hai bên do mỗi địa phương tự làm.

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, phương án làm cầu ảnh hưởng trực tiếp đến cảng Cát Lái hiện hữu của TP.HCM. Vì vậy trong cuộc họp mới đây, Đồng Nai đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thay vì phương án làm cầu Cát Lái thì chuyển qua phương án làm hầm.

Theo ông Hà, thời gian tới Đồng Nai cùng TP.HCM cũng sẽ chuyển phương án sang làm hầm Cát Lái vì tính khả thi cao hơn. Song ông Hà thừa nhận kinh phí dự báo sẽ tăng lên.

Về giải pháp nguồn vốn chắc theo chủ trương trước đây, phần hầm làm theo phương án BOT, còn đường dẫn hai bên thuộc địa phương nào thì địa phương ấy làm.

Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian tới tỉnh sẽ phối hợp với TP.HCM triển khai dự án hầm Cát Lái”, ông Hà cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hà cũng thông tin thêm dự án cầu Vàm Cái Sứt gần 400 tỉ làm xong phải chờ đường.

Theo ông, cầu Vàm Cái Sứt nằm trên trục hương lộ 2 (kéo dài từ quốc lộ 51 nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).

Trong đó tỉnh đã đầu tư đoạn 1 và cầu Vàm Cái Sứt (bao gồm một đoạn ngắn do hợp tác xã làm). Còn đoạn 2 (từ cầu nối ra cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) tỉnh đã giao Công ty Golf Long Thành và Công ty Amata Long Thành đầu tư.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này triển khai rất chậm (cả dự án chung của doanh nghiệp lẫn đường). Do đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai tách đoạn 2 hương lộ 2 ra khỏi dự án của hai doanh nghiệp trên và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Về vấn đề lãng phí, ông Hà cho rằng hương lộ 2 thực hiện theo từng đoạn. Sau khi làm cầu xong có thể tận dụng vận chuyển vật liệu. “Thực tế mà nói tại thời điểm này cầu Vàm Cái Sứt chưa phát huy hết được công suất theo thiết kế. Chứ lãng phí thì không đến mức lãng phí, không sử dụng được”, ông Hà nói.