Tin mới nhất

Các hãng tàu tăng tuyến vào Cái Mép – Thị Vải

Việc các hãng tàu quốc tế mở thêm nhiều tuyến vận tải mới nối liền Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) với các khu vực châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang mở cơ hội lớn tăng cường mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Cảng Gemalink đón 2 tàu trọng tải lớn cùng lúc.
Cảng Gemalink đón 2 tàu trọng tải lớn cùng lúc.

Tăng cường kết nối với các thị trường xuất khẩu lớn

Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho thấy, trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé CM-TV, có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng đến Hoa Kỳ và châu Âu. Cụ thể, 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến đi châu Âu – Mỹ, 7 tuyến đi bờ Đông Hoa Kỳ, 8 tuyến đi bờ Tây và 1 tuyến đi Mỹ – Canada. Hiện CM-TV  chỉ đứng sau Singapore tại Đông Nam Á về khả năng cung cấp các tuyến dịch vụ tàu container đi thẳng tới Hoa Kỳ và châu Âu. Sự phát triển này đã giúp các DN Việt Nam cắt giảm chi phí logistics, giảm sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển quốc tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc các hãng tàu quốc tế gia tăng các tuyến vận tải vào CM-TV  mở ra nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam tiếp cận, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây không chỉ là cơ hội để giảm chi phí logistics mà còn là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết, qua đó tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, kết nối tốt hơn với các thị trường quốc tế. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của tỉnh đạt hơn 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 11,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường châu Á tiếp tục giữ vị trí đầu tàu với tỷ trọng 69,89% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 15,8%. Đáng chú ý là sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường châu Âu, Mỹ với mức tăng lần lượt là 46,71%, và 14,22%.

Ông Nguyễn Tuấn Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Khai Anh Bình Thuận cho biết, trước đây, DN phải xuất hàng qua các cảng trung chuyển như Singapore hay Hong Kong, điều này không chỉ khiến chi phí vận chuyển tăng cao mà còn kéo dài thời gian giao hàng. Tuy nhiên, với sự mở rộng các tuyến tàu trực tiếp đến CM-TV, giúp DN giảm từ 15-20% chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển. “Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, như EVFTA và CPTPP, mở ra nhiều cơ hội lớn để xuất khẩu sang các thị trường như EU, Bắc Mỹ và Đông Á. Thời gian giao hàng ngắn hơn và chi phí vận chuyển hợp lý sẽ giúp DN nâng cao tính cạnh tranh trên các thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Tuấn Nam thông tin thêm.

Tàu MSC RIFAYA với sức chứa 19.462 TEU lần đầu cập cảng SSIT  vào ngày 15/9.
Tàu MSC RIFAYA với sức chứa 19.462 TEU lần đầu cập cảng SSIT vào ngày 15/9.

Cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng

Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GT-VT), để tăng sức hút cho CM-TV, cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp để có thể tiếp nhận các tàu siêu lớn với công suất cao, đồng thời tăng cường các cơ sở hậu cần như kho bãi, khu vực xếp dỡ, và các dịch vụ phụ trợ cần cung cấp các dịch vụ xử lý hàng hóa nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho tàu cập cảng.

Ngoài ra, việc nâng cao khả năng kết nối đa phương thức (kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng hàng không) sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy sự linh hoạt và hiệu quả trong chuỗi cung ứng.

Các dự án như giao thông như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và sân bay Long Thành sẽ là cơ hội tốt để CM-TV tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu. Trong ảnh: Đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu đã dần thành hình.
Các dự án như giao thông như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và sân bay Long Thành sẽ là cơ hội tốt để CM-TV tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu. Trong ảnh: Đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu đã dần thành hình.

“Các dự án như giao thông như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và sân bay Long Thành sẽ là cơ hội tốt để CM-TV tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng tàu. “Khi có lợi thế về kết nối giao thông, việc giải phóng hàng tại cảng sẽ nhanh hơn và phạm vi phục vụ được mở rộng, từ đó tăng tính hấp dẫn của cảng cũng như nâng cao năng lực phục vụ”, ông Phạm Hoài Chung nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cảng biển cũng cho rằng, tới đây CM-TV cần có những bến cảng mới có quy mô lớn hơn và hiện đại hơn để đón các tàu mẹ vào làm hàng. Đồng thời, các cảng cần liên kết lại để trở thành một cảng lớn, giúp nâng cao năng lực khai thác. Hiện tại khu vực CM-TV có 4 bến cảng liền nhau là CMIT, TCTT, SSIT và Gemalink, nhưng mỗi bến là một “cửa khẩu” riêng biệt, có hàng rào ngăn cách. Hiện CMIT và TCTT đã thực hiện mở cổng để kết nối. Nếu việc kết nối này được mở rộng ra với cả SSIT và Gemalink, năng lực khai thác tại đây sẽ tăng lên đáng kể, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn của CM-TV trong kế hoạch cơ cấu lại mạng lưới vận tải biển của các hãng tàu.