Tập đoàn Đèo Cả muốn làm tuyến metro số 2
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản số 827 đề xuất với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) được tham gia làm tuyến metr số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả, đại diện cho liên danh Đèo Cả – Fecon – PowerChina – Sucgi kiến nghị UBND TP.HCM được thực hiện tuyến metro số 2 và một số dự án metro khác tại TP.HCM.

(Bến Thành – Suối Tiên) hoàn thành, là một trong những điểm nhấn về thành tựu hạ tầng đô thị của Thành phố.
Tập đoàn này và liên danh cam kết sẽ huy động các nguồn lực bao gồm nhân sự đã được đào tạo, hệ thống thiết bị TBM đã được đầu tư, sẵn sàng tham gia thi công, vận hành để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ với hình thức EPC, trong đó doanh nghiệp Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ, tránh việc độc quyền công nghệ của nước ngoài.
Liên quan đến quá trình triển khai tuyến metro số 2, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1487 về việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) để thực hiện dự án metro số 2. Theo đó, Thủ tướng đồng ý việc sử dụng toàn bộ vốn vay thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 1 ký ngày 1/3/2011; Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 ký ngày 4/6/2011 của KfW với tổng giá trị là 155 triệu EUR; sử dụng 66.240.462 EUR vốn ODA không hoàn lại thuộc Thỏa thuận và viện trợ số 2 của KfW.
Theo báo cáo mới nhất của MAUR, tỷ lệ bàn giao mặt bằng tuyến metro số 2 hiện nay đạt 99,83%, hiện chỉ còn 1 trường hợp đất công vướng thủ tục bàn giao. Dự án metro số 2 có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó gói thầu CP1 xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn lại 7 gói thầu đang được cập nhật, rà soát điều chỉnh. Về công tác giải ngân, tính đến nay đã giải ngân được gần 1.699/47.890 tỷ đồng (đạt 3,53% so với tổng mức đầu tư), chưa tính chi phí đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng dọc các tuyến.
Theo Nghị quyết số 188/2025 của Quốc hội, TP.HCM có 10 tuyến đường sắt đô thị, kể cả tuyến vành đai ngoài. Tuyến số 2 có lộ trình Củ Chi – Quốc lộ 22 – An Sương – Bến Thành – Thủ Thiêm, trong đó có các phân đoạn Bến Thành – Tham Lương, Bến Thành – Thủ Thiêm, Tham Lương – Củ Chi. Riêng đoạn Bến Thành – Tham Lương (tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng) có tổng chiều dài khoảng 11,3km với 9,3km đi ngầm, 2km đi trên cao và 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Trường Chinh.
Theo Xuân Tình
Báo Lao Động Thủ Đô