Khởi công và thông xe kỹ thuật nhiều công trình trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam
Sáng 19/4, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời 50 công trình trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Khởi công 6km vành đai 2 đoạn qua TP Thủ Đức, cam kết đúng tiến độ
TP.HCM tổ chức lễ khởi công xây dựng 6km vành đai 2 đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức. Đây là một trong 50 dự án trong cả nước khởi công, khánh thành mừng kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án có mục tiêu xây dựng đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái), đoạn 2 (từ nút giao Bình Thái đến nút giao Phạm Văn Đồng) của tuyến đường vành đai 2 với tổng chiều dài 6km.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Linh Phương – phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) – cho biết khi hoàn thành, 2 đoạn trên sẽ kết nối với đoạn 3 đang được nhà đầu tư thực hiện để khép kín đường vành đai 2 TP.HCM qua TP Thủ Đức.
Từ đó góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía đông thành phố.
Gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn của dự án sẽ chính thức được triển khai từ sáng nay 19-4, dự kiến gói xây lắp khởi công vào tháng 9-2025.

Theo ông Phương, dự án được đầu tư xây dựng theo 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 xây dựng đường song hành hai bên trong lộ giới quy hoạch 67m, 3 làn xe mỗi bên. Xây dựng nút giao Bình Thái theo dạng hoa thị hoàn chỉnh; xây dựng cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp…
Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch 67m, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến chính 6 làn xe trong phần đất dự trữ ở giữa.
Tổng mức đầu tư về xây lắp giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỉ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 8.627 tỉ đồng với quy mô 1.154 trường hợp phải bồi thường giải phóng mặt bằng, có 62ha đất cần phải thu hồi và do UBND TP Thủ Đức làm chủ đầu tư.
Ban Giao thông cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để đồng bộ hạ tầng giao thông trong khu vực.
Thông xe kỹ thuật hơn 18km cao tốc nối miền Tây và Đông Nam Bộ
Sáng 19-4, đoạn hơn 18km cao tốc Bến Lức – Long Thành, nhánh phía Tây TP.HCM đã chính thức thông xe kỹ thuật.
Đoạn tuyến này kéo dài từ nút giao quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè), mở ra trục kết nối giao thông quan trọng giữa miền Tây và vùng Đông Nam Bộ.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Tuyến đường dài 57,8km, đi qua 3 địa phương: Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km), với tổng mức đầu tư 29.587 tỉ đồng từ nguồn vốn vay JICA, ADB, ngân sách nhà nước và VEC thu xếp.
Đoạn tuyến phía tây dài hơn 21km gồm phần vừa thông xe kỹ thuật và 3km đã khai thác tạm dịp Tết – đi qua huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) và Bình Chánh, Nhà Bè (TP.HCM). Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, với 4 làn xe và vận tốc tối đa 100km/h.

Việc từng bước đưa đoạn tuyến này vào sử dụng không chỉ góp phần giảm áp lực giao thông tại cửa ngõ TP.HCM, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa miền Tây và cụm cảng Hiệp Phước, thay vì phải di chuyển qua nội thành.
Trước đó dịp Tết Ất Tỵ 2025, VEC đã khai thác tạm 2 đoạn tuyến gồm 3km từ nút giao TP.HCM – Trung Lương đến quốc lộ 1 và đoạn 7km từ nút giao Phước An đến quốc lộ 51. Những đoạn này đã góp phần giảm ùn tắc, nâng cao năng lực thông hành và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Tính đến nay, gần 30km của cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được đưa vào sử dụng. Đây là bước tiến quan trọng để từng bước hoàn thiện tuyến cao tốc huyết mạch nối liền miền Tây với vùng Đông Nam Bộ.
Đại tướng Phan Văn Giang dự lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Sáng 19-4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đoạn đi qua tỉnh này. Đại tướng Phan Văn Giang – ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng – dự lễ.

Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chủ đầu tư cho biết cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5km, là dự án thành phần 3 của cả tuyến cao tốc dài hơn 53km.
Dự án khởi công vào tháng 6-2023, đến nay thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng, 6 tháng so với nghị quyết của Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết cao tốc này đóng vai trò rất quan trọng cho cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ.
Bởi cùng với cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 TP.HCM và nhiều tuyến giao thông kết nối khác, cả tỉnh và vùng sẽ có đường sá rộng lớn, kết nối thuận tiện, nhanh nhất so với hiện nay.
Cao tốc này sẽ mở ra một không gian mới rộng lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển xứng tầm, phát huy hết lợi thế cạnh tranh của một trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Sáng cùng ngày, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tổ chức khánh thành và khởi công 3 công trình trọng điểm khác.
Cụ thể tại Côn Đảo đã diễn ra lễ khánh thành Trung tâm Y tế quân – dân y Côn Đảo, với tổng mức đầu tư hơn 250 tỉ đồng. Trung tâm này có quy mô 60 giường bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và du khách mà không phải vào đất liền.
Tại Vũng Tàu, lễ thông xe đoạn đường từ Long Sơn ra quốc lộ 51 và cầu Cửa Lấp 2 cũng diễn ra. Đây là hai hạng mục thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận 994. Đường 994 dài hơn 76km, đi qua 4 huyện, thành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư hơn 9.240 tỉ đồng. Dự kiến năm 2026 toàn bộ đường 994 sẽ hoàn thành. Đây là con đường quan trọng kết nối các địa phương ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận, cũng như kết nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thông qua dự án đường nối vào cao tốc.
Tại Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi công dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Con đường này dài 16,39km với điểm đầu nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn tại nút giao quốc lộ 56, TP Bà Rịa) và điểm cuối tại vòng xoay đường 51B-51C TP Vũng Tàu.
Đây là con đường cao tốc đô thị, trong đó có đoạn là đường trên cao dạng cầu cạn. Tổng mức đầu tư làm con đường này khoảng 13.900 tỉ đồng.
Bình Thuận khánh thành tuyến đường ven biển ngàn tỉ
Sáng 19-4, tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành tuyến đường ven biển ĐT.719B (đoạn từ quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum) và tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành.
Đến dự buổi lễ khánh thành hai dự án trên tại tỉnh Bình Thuận có Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình.

Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo tỉnh Bình Thuận, đây là những công trình hạ tầng trọng điểm của địa phương.
Các tuyến đường này đưa vào khai thác để hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Thuận (19-4-1975 – 19-4-2025).
Trong đó tuyến đường ven biển ĐT.719B dài 25,6km, riêng đoạn khánh thành hôm nay từ quốc lộ 1 đến cầu Suối Nhum dài 17,8km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.200 tỉ đồng.
Còn tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B) dài 7,7km. Tổng mức đầu tư gần 420 tỉ đồng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Đỗ Hữu Huy – chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – cho biết đây là hai công trình hạ tầng giao thông chiến lược, được tỉnh ưu tiên đầu tư.
Các tuyến đường trên khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với trục đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và hoàn thiện tuyến đường ven biển quốc gia về phía nam TP Phan Thiết.
Ông Huy cho biết thêm các tuyến đường trên góp phần định hướng phát triển không gian ven biển, mở rộng không gian đô thị, kết nối giao thông đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải.
Khởi công cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ
Sáng 19-4, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khởi công hai dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Theo đó, hai dự án khởi công lần này gồm dự án thành phần 3 và thành phần 5 thuộc cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành do UBND tỉnh Bình Phước phụ trách, tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng.
Cụ thể dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước – có chiều dài hơn 95,1km. Theo thiết kế, mặt đường gom rộng 3,5m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng. Thiết kế mới 20 cầu vượt ngang với tổng mức đầu tư 951 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương.
Dự án thành phần 5 – bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước – có tổng mức đầu tư 3.977 tỉ đồng bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 1028ha, khoảng 2.150 hộ dân bị ảnh hưởng.

để triển khai thi công dự án thành phần 1 vào 30-4 tới – Ảnh: A LỘC
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là tuyến đường quan trọng, huyết mạch của cả vùng và cả nước, kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Sau khi hình thành, cùng với tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, góp phần tăng cường liên kết vùng, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với sân bay, cảng biển.
Đồng thời tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở khu vực giáp biên với Vương quốc Campuchia.
Thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Hải Ninh đề nghị các bộ ngành trung ương, nhất là Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hỗ trợ tối đa về pháp lý, kỹ thuật cho tỉnh Bình Phước trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt lưu ý sớm hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án thành phần 1.
Tỉnh Bình Phước nghiên cứu để rút ngắn các thủ tục pháp lý để triển khai thi công dự án thành phần tuyến cao tốc vào dịp 30-4 tới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Trần Tuệ Hiền, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, Bình Phước và Đắk Nông phải cơ bản hoàn thành dự án cao tốc vào năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Do đó Bình Phước mong muốn Chính phủ, các bộ ngành trung ương tiếp tục quan tâm để tỉnh sớm hoàn tất các thủ tục dự án thành phần 1 (đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP).
Bên cạnh đó, bà Hiền đề nghị các sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, khẩn trương triển khai dự án trên tinh thần đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn. Đặc biệt không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu và đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài hơn 128km. Điểm đầu dự án giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 hiện hữu) thuộc huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Khánh thành đường ngàn tỉ nối thị xã An Nhơn với đầm Thị Nại ở Bình Định

Ngày 19-4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định).
Tuyến đường có chiều dài khoảng 9,4km, bắt đầu từ điểm nối giữa quốc lộ 1 và đường Lê Hồng Phong nối dài của thị xã An Nhơn, đi qua các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đến điểm cuối tại đường ven biển Bình Định, đoạn Cát Tiến – Diêm Vân.
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc 80km/h, mặt đường bê tông nhựa rộng 19m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; tổng mức đầu tư hơn 1.043 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 680 tỉ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh.
“Tuyến đường tăng tính kết nối giữa thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và khu vực phía bắc TP Quy Nhơn, mở ra không gian phát triển mới về phía tây đầm Thị Nại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Con đường này còn đảm bảo quốc phòng – an ninh, cứu hộ thiên tai trong khu vực” – ông Hoàng phát biểu.
Đắk Lắk: Khánh thành hồ thủy lợi Krông Pách Thượng 4.400 tỉ đồng

Ngày 19-4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng – công trình có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 4.400 tỉ đồng.
Dự án được đánh giá là một trong những công trình thủy lợi lớn và phức tạp nhất tại khu vực Tây Nguyên.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành hai hồ chứa chính là Krông Pách Thượng và Ea Rớt, với dung tích hồ chính đạt 122,69 triệu m³, đảm bảo cấp nước tưới ổn định cho khoảng 14.900 ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh công trình không chỉ giải cơn khát nước cho vùng đất khô hạn mà còn là bước đi chiến lược trong phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế và đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Theo ông Duy, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh tưới còn lại, mở rộng vùng cấp nước sinh hoạt, nước cho chăn nuôi và nâng cao hiệu quả vận hành toàn bộ hệ thống công trình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn chia sẻ: “Công trình sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho các vùng đất khô cằn, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Người dân Đắk Lắk mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư để địa phương bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lal”.
Khởi công từ tháng 3-2016, giai đoạn 1 công trình do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) làm đại diện chủ đầu tư. Hệ thống đầu mối gồm ba đập, hai tràn xả lũ, một cống lấy nước và hệ thống kênh tưới có đường ống lớn nhất đường kính 1,6m, dài 13,4km.
Dự án buộc phải thu hồi hơn 3.174ha đất và di dời khoảng 800 hộ dân. Năm 2018, dự án được điều chỉnh tăng vốn lên hơn 4.400 tỉ đồng cho giai đoạn 1. Trong đó, kinh phí xây dựng hơn 2.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng rừng thay thế gần 1.900 tỉ đồng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe kỹ thuật hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam

Ngày 19-4, Bộ Xây dựng phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ thông xe kỹ thuật hai dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giaI đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.
Tham dự buổi lễ có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi có điểm đầu tại km479+117,18, khớp nối với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt trên địa phận xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh),
Điểm cuối tại km514+441,33 khớp nối với dự án thành phần đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng, trên địa phận xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), tổng chiều dài tuyến khoảng 35,28km.
Đoạn tuyến này gồm 3 nút giao tại quốc lộ 8, nút giao tại đường tỉnh 548 và nút giao tại đường tỉnh 550 kết nối huyện Thạch Hà với TP Hà Tĩnh. Giai đoạn đầu, đường được thiết kế 4 làn xe, mặt đường rộng 17m, vận tốc khoảng 80km/h.
Dự án được khởi công tháng 1-2023 với tổng số vốn đầu tư là 7.643,57 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Đến hôm nay, dự án đã đạt 97% kế hoạch, chính thức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác ngày 28-4.

Trong khi đó, dự án thành phần đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng có tổng chiều dài khoảng 54,2km, gồm ba nút giao tại xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên), nút giao xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) và nút giao tại xã Kỳ Tân (thị xã Kỳ Anh).
Dự án có tổng mức đầu tư dự án: 9.734,62 tỉ đồng do ban Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, ngày thông xe kỷ thuật và ngày đưa vào vận hành đúng thời điểm với dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi.
Ông Nguyễn Khắc Trung – giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng, cho biết để có được kết quả ngày hôm nay, thời gian qua chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đã nỗ lực hết mình đẩy nhanh tiến độ thi công, các mũi thi công tăng ca, tăng kíp, thậm chí tổ chức làm đêm để dự án vượt tiến độ.
Long An thêm đường mới kết nối TP.HCM, khởi công 2 khu đô thị, công nghiệp lớn

Tại tỉnh Long An, 5 dự án, công trình trọng điểm đồng loạt khởi công, khánh thành với tổng vốn gần 19.000 tỉ đồng.
Sáng 19-4, tỉnh Long An đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án đường ĐT.823D (hay còn gọi là trục đường mới Tây Bắc kết nối Long An – TP.HCM).
Được khởi công từ cuối năm 2021, tuyến đường này có tổng chiều dài 14,27km. Điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An và TP.HCM, điểm cuối tại vòng xoay Hậu Nghĩa; giao giữa QL.N2, ĐT.825, đường vành đai 4 TP.HCM với đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường hình thành sẽ trở thành trục giao thông quan trọng kết nối trung tâm huyện Đức Hòa, Long An đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Đường được thiết kế theo quy mô đường đô thị vận tốc 80km/h, 4 làn xe cơ giới rộng 14m, 2 làn xe song hành rộng 7m, dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè 2 bên rộng 6m, nền đường rộng 40m.
Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường 1.106 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Long An làm chủ đầu tư.
Cùng ngày, tỉnh cũng tổ chức lễ khởi công dự án khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch xã Thanh Phú, huyện Bến Lức do liên danh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển DB – Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 220ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỉ đồng, dự án sẽ đảm bảo quy mô dân số hơn 29.000 người.

sẽ trở thành khu đô thị công nghiệp quan trọng của hành lang kinh tế ven TP.HCM – Ảnh: SƠN LÂM
Tương tự, tại phía bắc huyện Bến Lức, dự án khu dân cư Mai Bá Hương và Khu công nghiệp Tandoland do Công ty cổ phần Tandoland làm chủ đầu tư cũng được khởi công, động thổ. Trong đó khu dân cư Mai Bá Hương có diện tích hơn 148ha với tổng mức đầu tư hơn 4.030 tỉ đồng. Khu công nghiệp Tandoland có diện tích 250ha với tổng mức đầu tư 3.144 tỉ đồng.
Hai dự án lớn này đều nằm trong trục động lực quan trọng, với nhiều đô thị, công nghiệp, dịch vụ, sinh thái bám theo vành đai 3 TP.HCM mà Long An đã quy hoạch.
Và để hưởng ứng cùng cả nước nhân dịp lễ 30-4, Long An cũng làm lễ khánh thành dự án nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng cho ngành ô tô của Công ty Shiliduo trong Khu công nghiệp Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa). Nhà máy có diện tích 28.000m2 với tổng mức đầu tư gần 350 tỉ đồng.
Chính thức hợp long cầu Rạch Miễu 2
Cầu Rạch Miễu 2 đã chính thức hợp long vào sáng 19-4, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch ban đầu. Cây cầu được hàng triệu người dân mong chờ bởi cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải và thường xuyên kẹt xe.

Phát biểu tại buổi lễ hợp long, ông Trần Văn Thi – giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) – cho biết sau gần 25 tháng thi công, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2.
“Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong tiến độ thi công, là tiền đề quan trọng để hoàn thành công trình và đưa vào khai thác theo mục tiêu đã đề ra. Sau khi hợp long nhịp chính, cầu Rạch Miễu 2 sẽ đưa vào khai thác trong tháng 8-2025”, ông Thi nói.
Cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, là một trong những công trình giao thông trọng điểm của quốc gia. Không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến quốc lộ 60, chia lửa cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Khánh thành cống ngăn mặn 516 tỉ đồng lớn nhất ở Sóc Trăng
Cống âu Rạch Mọp lớn nhất Sóc Trăng đưa vào vận hành góp phần ngăn mặn phục vụ sản xuất và kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu cho trên 19.000ha.

Ngày 19-4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ khánh thành công trình cống âu Rạch Mọp (thuộc xã Song Phụng, huyện Kế Sách và xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Đây là một trong 50 công trình, dự án khởi công trong cả nước, đưa vào sử dụng nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Đoàn Hồng Phong, ủy viên Trung ương Đảng, tổng Thanh tra Chính phủ; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Lâm Văn Mẫn, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào, phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; ông Trần Văn Lâu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đến dự.
Công trình cống âu Rạch Mọp có vốn đầu tư 516 tỉ đồng, thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Công trình được khởi công tháng 1-2023, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũ) làm chủ đầu tư.
Công trình nằm trên sông Rạch Mọp, giáp ranh xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và xã Song Phụng (huyện Long Phú). Cống có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang cống 35m và 1 âu thuyền 15m; cửa van phẳng bằng thép được đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cống có hệ thống quan trắc, giám sát tự động.
Ông Hà Đức Hạnh – giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 – cho biết sau hơn 2 năm tích cực thi công, đến nay tất cả các hạng mục của công trình đã hoàn thành, công trình thi công đạt chất lượng, tiến độ theo hợp đồng. Ban 10 có thể tự tin khẳng định công trình cống âu Rạch Mọp đã hoàn thành theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ dự án đề ra.
Khởi công cầu Giải Phóng 9 với vốn đầu tư hơn 870 tỉ đồng
Chính quyền TP Rạch Giá khởi công cầu Giải Phóng 9 với vốn đầu tư hơn 870 tỉ đồng, kết nối giao thông giữa Kiên Giang và An Giang.

Ngày 19-4, UBND TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi công “dự án đầu tư xây dựng cầu Giải phóng 9”.
Đây là cầu giao thông kết nối giữa 3 phường tại thành phố Rạch Giá gồm: Vĩnh Thanh, Vĩnh Thông và Vĩnh Hiệp. Đặc biệt, cây cầu nằm trên con đường nối từ thành phố Rạch Giá kết với huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin, cầu Giải Phóng 9 do UBND thành phố Rạch Giá làm chủ đầu tư, tổng vốn là 870 tỉ đồng.
Cầu có chiều dài toàn tuyến hơn 323m, rộng 10,5m, kết cấu vĩnh cửu bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; nhịp chính của cầu là vòm thép mạng lưới dài 98m – thiết kế hiện đại, vừa đảm bảo tính kỹ thuật cao, vừa mang dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc.
Kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ lá cây Giá, biểu tượng đặc trưng của Rạch Giá, thể hiện sức sống mới của Kiên Giang.

Cà Mau khởi công và thông xe kỹ thuật nhiều công trình trị giá hơn 7.800 tỉ đồng

xây dựng công trình mở rộng Cảng hàng không Cà Mau – Ảnh: THANH HUYỀN
UBND tỉnh Cà Mau tổ chức khởi công và thông xe kỹ thuật 3 dự án công trình với giá trị hơn 7.800 tỉ đồng. Những công trình này khi đi vào sử dụng sẽ góp phần đưa tỉnh Cà Mau phát triển, thu hút đầu tư.
Ngày 19-4, tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã khởi công dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng.
Đây là dự án nhóm A do Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân mà còn hướng đến giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

hạn chế tình trạng người dân lên tuyến trên – Ảnh: THANH HUYỀN
Cũng tại TP Cà Mau, dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau do ACV đầu tư, tổng vốn khoảng 2.400 tỉ đồng đã được khởi công. Dự án xây dựng mới đường cất hạ cánh có chiều dài 2.400m, chiều rộng 45m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Đồng thời cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu).
Cùng trong sáng nay, tỉnh Cà Mau phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức thông xe kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng cầu Gành Hào. Công trình có tổng mức mức đầu tư 655 tỉ đồng, là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến đường trục Đông – Tây và cầu Gành Hào (tổng mức đầu tư 2.147 tỉ đồng).
Bên cạnh cầu sông Ông Đốc đã được hoàn thành cuối năm 2023, cầu Gành Hào là công trình cầu vượt cửa biển thứ hai trong tổng thể dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến đường trục Đông – Tây và cầu Gành Hào.

Cầu Gành Hào tổng chiều dài hơn 6km, vốn đầu tư hơn 655 tỉ đồng. Trong đó phần cầu chính dài 770m, rộng 12m được đầu tư 4 làn xe. Công trình có điểm đầu tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; điểm cuối ở thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải, Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Văn Bi, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã đóng góp công sức, trí tuệ, vượt qua nhiều khó khăn, để hoàn thành công trình.
Đặc biệt, ông hoan nghênh và biểu dương sự ủng hộ xuyên suốt của người dân khu vực xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau và thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đối với dự án, để công trình được triển khai đúng tiến độ.
Hiện cửa biển Gành Hào là ranh giới hành chính, là cửa ngõ ra Biển Đông của hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, giữ vai trò trọng yếu về nhiều mặt, là đầu mối kết nối khu vực dọc bờ Bển Đông qua các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu với quốc lộ 1 và khu vực phía Biển Tây qua các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang.
TP.HCM có 3 dự án sẽ khởi công và khánh thành hôm nay gồm: khởi công khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khánh thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 2 dự án: khởi công đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; thông xe dự án thành phần 3 thuộc dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
TP Hà Nội có 1 dự án: khánh thành nút giao khác mức giữa đường vành đai 3.5 với đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Tỉnh Bắc Giang có 3 dự án: khởi công dự án đường nối quốc lộ 37 – quốc lộ 17 – Võ Nhai (Thái Nguyên), khởi công xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, khởi công dự án Trung tâm văn hóa triển lãm Bắc Giang
Tỉnh Bắc Kạn có 2 dự án: khánh thành đoạn tuyến Km0+00 – Km37+00 thuộc dự án xây dựng tuyến đường TP Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê – Khang Ninh, huyện Ba Bể.
Tỉnh Bình Định có 1 dự án: khánh thành tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại.
Tỉnh Bình Phước có 1 dự án: khởi công dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tỉnh Bình Thuận có 1 dự án: khởi công đường từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc đi quốc lộ 1, huyện Hàm Thuận Bắc.
Tỉnh Cà Mau có 2 dự án: khởi công dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh; thông xe kỹ thuật dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Gành Hào thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông – Tây và cầu Gành Hào.
Tỉnh Đắk Nông có 1 dự án: khởi công đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tỉnh Hải Dương có 2 dự án: khởi công dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 394B; khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON Hải Dương.
Tỉnh Hưng Yên có 2 dự án: khởi công 2 dự án thuộc Cụm công nghiệp Kim Động, huyện Kim Động và huyện Ân Thi.
Tỉnh Long An có 2 dự án: khánh thành Nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng cho ngành ô tô, khởi công dự án khu dân cư Mai Bá Hương.
Tỉnh Ninh Bình có 2 dự án: khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, khánh thành dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây.
Tỉnh Ninh Thuận có 3 dự án: khánh thành công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B, khánh thành công trình đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, khánh thành đường Văn Lâm – Sơn Hải.
Tỉnh Phú Yên có 2 dự án: khánh thành dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu số 02, phía Đông đường Hùng Vương 2; khởi công tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Bài Bay.
Tỉnh Quảng Bình có 2 dự án: khởi công nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới; thông xe dự án thành phần đoạn Bùng – Vạn Ninh thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Sóc Trăng có 1 dự án: khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề.
Tỉnh Tây Ninh có 1 dự án: khởi công Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Tỉnh Thái Nguyên có 4 dự án: động thổ xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 3; khởi công dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2; khánh thành đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội; khởi công dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước 3 giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Thanh Hóa có 1 dự án: khởi công đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2.
Tỉnh Tuyên Quang có 1 dự án: khánh thành công trình đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành.
Tỉnh Vĩnh Long có 1 dự án: khánh thành nhà thi đấu đa năng tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 2 dự án: khởi công nhà ở xã hội thuộc giai đoạn 1 dự án khu đô thị Việt Đức Legend City, khánh thành Trường trung học phổ thông Trần Phú.
Tỉnh Yên Bái có 1 dự án: khánh thành đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tỉnh Yên Bái.
Tỉnh Khánh Hòa có 1 dự án: khánh thành, đưa vào khai thác 70,35/80,35km dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Hà Tĩnh có 2 dự án: thông xe kỹ thuật dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; thông xe kỹ thuật dự án thành phần đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Tiền Giang có 1 dự án: khánh thành hợp long cầu Rạch Miễu 2.
Tỉnh Đắk Lắk có 1 dự án: khánh thành dự án hồ chứa nước Krong Pách Thượng.
TP Huế có 1 dự án: khánh thành dự án xây dựng nhà làm việc và nhà thư viên các trường đại học Huế.
Theo ĐỨC PHÚC – THẢO LÊ – PHƯƠNG NHI – THU DUNG – A.LỘC – MẬU TRƯỜNG – HOÀI THƯƠNG – KHẮC TÂM – ĐÔNG HÀ – ĐỨC TRONG – BỬU ĐẤU – BÌNH GIA – N.TR. – THANH HUYỀN – SƠN LÂM – LÊ MINH – THẾ THẾ – QUỐC NAM .
Báo Tuổi Trẻ