Thị trường bất động sản công nghiệp năm 2025:Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ
Năm 2024, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể thị trường. Những động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, nguồn vốn FDI, cũng như việc tích cực triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư sẽ là nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của phân khúc bất động sản này trong năm 2025.
Tỷ lệ lấp đầy cao, giá thuê tăng
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đã cải thiện trong năm 2024 với nguồn cung tiếp tục tăng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá, khu vực công nghiệp ghi nhận sự cải thiện diện tích hấp thụ, đặc biệt là tại các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Số liệu từ Công ty đầu tư và Dịch vụ bất động sản CBRE về thị trường đất công nghiệp cho thấy, các khu công nghiệp tại khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình là 80%, khu vực phía Nam đạt 89%. Diện tích hấp thụ của khu vực phía Bắc đạt hơn 400ha trong năm 2024, được thúc đẩy bởi các giao dịch lớn trong những ngành công nghiệp khác nhau như điện tử, xe điện. Trong khi đó, khu vực miền Nam ghi nhận diện tích hấp thụ đạt 265ha, thấp hơn 52% so với năm 2023, chủ yếu giao dịch lớn tập trung ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Khoảng cách về giá thuê ở hai khu vực công nghiệp chính đang dần thu hẹp do sự tăng giá mạnh mẽ ở những thị trường có ngưỡng giá cạnh tranh hơn tại khu vực phía Bắc, như Hải Dương và Hải Phòng. Đến cuối năm 2024, giá thuê trung bình của các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt 137 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi ở phía Nam đạt 175 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn cũng có một năm 2024 tăng trưởng đầy ấn tượng. Đối với phân khúc nhà xưởng xây sẵn (RBF), đều ghi nhận diện tích hấp thụ cao nhất trong 3 năm qua. Tỷ lệ lấp đầy của các dự án RBF ở phía Bắc đạt 88%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ lấp đầy của các dự án RBF ở phía Nam tăng 7,7 điểm phần trăm, đạt 89%. Đây là kết quả ấn tượng, đặc biệt khi cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam đều đón nhận lượng cung mới cao nhất trong 3 năm qua khi mỗi khu vực có khoảng 0,5 triệu mét vuông nguồn cung mới.
Nâng tầm nhờ sản xuất công nghệ cao, bán dẫn
Triển vọng về dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam trong năm 2025 được xem là động lực để bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển. Không chỉ ở các trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương hay Bắc Ninh, ngay cả bất động sản công nghiệp tại các thị trường cấp hai như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng được ghi nhận sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự phát triển hạ tầng. Những động lực đó giúp các chuyên gia kỳ vọng giá cho thuê phân khúc này sẽ có cơ hội cải thiện hơn nữa.
Ngoài ra, việc Chính phủ tăng tốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cũng là điểm cộng cho bất động sản công nghiệp. Mặt khác, quy hoạch của nhiều tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030 được thông qua sẽ giải quyết phần nào vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế và tăng trưởng.
Nhận định bất động sản công nghiệp được nâng tầm nhờ sản xuất công nghệ cao, bán dẫn, Phó Giám đốc bộ phận dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội Thomas Rooney cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Cụ thể, theo báo cáo bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội, tổng diện tích đất công nghiệp quốc gia đạt hơn 38.200ha từ 203 khu công nghiệp đang hoạt động, tăng 5% so với năm trước. Việc NVIDIA, Tập đoàn hàng đầu thế giới về AI và bán dẫn xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển khu công nghệ cao, gia tăng giá trị bất động sản công nghiệp và thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư công nghệ lớn. Điều này không chỉ nâng tầm các khu công nghiệp mà còn mở rộng cơ hội phát triển hạ tầng hiện đại và các ngành dịch vụ hỗ trợ.
Với những lợi thế sẵn có cùng nỗ lực định hướng và phát triển của Chính phủ, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Nổi bật là nhà xưởng, nhà kho xây dựng sẵn của các nhà phát triển lớn trong ngành như Frasers, Logos và IDEC, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của ngành bán dẫn, với cơ sở hạ tầng hiện đại và hệ thống an toàn cháy nổ. Các dự án sở hữu vị trí chiến lược, gần các sân bay quốc tế, giúp nhà đầu tư dễ dàng vận chuyển và giao thương.
Còn tại riêng Hà Nội, theo các chuyên gia của Công ty Bất động sản thương mại toàn cầu Avison Young Việt Nam, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp đang duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển và các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn sẽ tiếp tục trở thành điểm đến ưu tiên của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao, điện tử, và logistics chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu thuê đất.
Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều điều kiện để phát triển trong năm 2025 này. Vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự đột phá trong năm 2025 của thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.